Hiện có 02 nguồn thông tin về nguồn gốc và xuất xứ của rượu Bàu Đá Bình Định mà người xưa kể lại.
Theo nguồn thông tin đầu tiên về nguồn gốc rượu Bàu Đá, ở vùng Tây Sơn có 01 người phụ nữ tên là Đấu, chuyên làm nghề nấu rượu. Gia đình chị vốn làm nghề nấu rượu nhiều đời và có riêng những bí quyết gia truyền từ thời vua Quang Trung. Từ nhỏ chị Đấu đã được cha của mình truyền nghề nấu rượu và đặc biệt chị tỏ ra rành nghề ngay từ nhỏ. Khi lớn lên chị trở thành người nấu rượu ngon nổi tiếng nhất vùng. Sau đó, chị lấy chồng – là người sống tại xóm Tân Long, thôn Cù Lâm, xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định ngày nay. Từ đó chị chuyển về nhà chồng và cũng đem nghề nấu rượu về đây. May mắn thay, khi chị Đấu dùng nước giếng ở đây để nấu thì rượu thơm ngon hơn hẳn, hương vị rất riêng, khác hẳn các loại rượu ở nơi khác. Từ đó chị truyền nghề lại cho người dân trong vùng (vốn trước giờ chỉ làm ruộng) và hình thành làng nghề nấu rượu nổi tiếng cả nước. Để tưởng nhớ công ơn bà, người dân trong làng đặt tên loại rượu này là Bầu Đá (“nói lái” của từ Bà Đấu – một cách chơi chữ mà người miền trung thường dùng).
Tuy nhiên, thông tin này có vể không đáng tin cậy như luồng thông tin thứ 02 nói về nguồn gốc rượu Bàu Đá, vì có nhiều bằng chứng còn tồn lại đến ngày nay. Theo đó, tại xóm Tân Long – một xóm nhỏ chuyên nghề làm ruộng, có một cái bàu (tên địa phương của “ao”) rộng khoảng 3 sào (3000 mét vuông), trong bàu có nhiều hòn đá to do thiên nhiên sinh ra. Đặc biệt, không biết lý do gì cá ở đây rất nhiều, hằng năm ông xã Lựu (giống như chủ tịch Xã bây giờ) có tổ chức một ngày “dậy” bàu vào mùa hè, xóm gần làng xa mọi người về đây bắt cá đông vui, ai bắt bao nhiêu cá cũng được, ông xã Lựu chỉ lấy một con gọi là xâu, vì vậy đã trở thành ngày hội bắt cá định kỳ ở cái bàu có đá xóm Tân Long. Và từ đó, dần dần, người dân quen gọi cái bàu này với tên Bàu Đá. Người dân ở đây thường lấy nước trong bàu sinh hoạt và nấu ăn vì nước ở đây rất ngọt và mát. Theo nhiều vị cao niên, vào khoảng những năm 1947 – 1948, một người hành nghề nấu rượu tên là Hương Lễ phiêu bạt về đây, ông là người ở đất Tây Sơn và được thừa hưởng công thức nấu rượu từ thời vua Quang Trung. Khi về đây sống, ông đã sử dụng nước của bàu để nấu rượu và không ngờ rượu nấu bằng nước của bàu có hương vị đặc trưng và thơm ngon lạ lùng – không nơi nào có được. Từ đó ông đã truyền nghề cho những người trong vùng và hình thành ra một làng nghề nấu rượu, dân trong vùng lấy tên của bàu để đặt tên cho loại rượu này – rượu Bàu Đá.
Trải qua thời gian và do sự bồi lắng của tự nhiên, bàu bị cạn và thu hẹp dần, cho đến nay chỉ còn lại dấu tích là một ao cạn trồng rau muống, gần đó vẫn còn hiện diện ngôi miếu cổ quen được gọi là “miễu Bàu Đá”.
Tuy bàu đã cạn nhưng mạch nước ngầm của bàu vẫn còn đó. Người dân ở đây đã đào giếng để lấy được mạch nước ngầm này và rượu nấu từ nước trong giếng có chất lượng giống như lấy từ bàu (có phần vệ sinh hơn lấy trực tiếp từ bàu).
Hiện này cũng có nhiều tranh cãi giữa các cụ trong làng Bàu Đá về đâu là nguồn gốc rượu Bàu Đá chính xác. Tuy nhiên, theo quan điểm của cô Năm Phượng và chúng tôi (cũng như những phân tích ở trên), nguồn thông tin thứ 2 là chính xác hơn về nguồn gốc của rượu Bàu Đá Bình Định.
Bạn có thể tìm hiểu chi tiết hơn về rượu bàu đá Bình Định trong bài viết Rượu Bàu Đá Bình Định